Bài hát Việt có “quá hớp” khán giả Việt?
(ĐSCT) Chương trình Bài hát Việt của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trước giờ vẫn được xem là sân chơi thể nghiệm của các nhạc sĩ trẻ (chủ yếu là tác giả Hà Nội và phía Bắc). Mặc dù đã quen với “tiêu chí” đó nhưng đông đảo khán giả VTV trong buổi trực tiếp truyền hình đêm 27-6 liveshow Bài hát Việt đầu tiên của năm 2010 vẫn “hết hồn” với một số tiết mục. Ngoài những giải đã được trao cho các ca khúc mới, còn có phần giới thiệu dự án âm nhạc tháng 6 của nhóm “nhạc quái” Đại - Lâm - Linh, dự án mang cái tên của chính nhóm nhạc: Đại - Lâm - Linh.
Ca sĩ Thanh Lâm “thể nghiệm” với mái tóc rũ rượi
Âm nhạc của nhóm này vẫn nổi tiếng bởi sự ngẫu hứng đến kỳ dị, đến nay vẫn mang tính thể nghiệm. Với 4 ca khúc của Ngọc Đại mà 3 trong số đó Ngọc Đại phổ thơ của Vi Thùy Linh. Vẫn một phong cách thể hiện loại âm nhạc khó hiểu đi cùng cách trình diễn khá “điên”, dự án của Đại - Lâm - Linh khiến khán giả ngờ vực những người biên tập VTV đã nghiêm túc chưa khi mang đến cho đông đảo mọi tầng lớp loại âm nhạc “quái” này? Những ca khúc như Mùa đông, Dệt tầm gai, Nuối tiếc, Cây nữ tu kỳ quái đến mức chẳng có mấy khán giả có mặt tại Nhà hát Hòa Bình hiểu được “âm nhạc Đại - Lâm - Linh” thì nói chi đến hàng triệu người xem khắp cả nước, kể cả vùng sâu vùng xa... Mặc dù những thể nghiệm được cho là táo bạo, mới mẻ của Đại - Lâm - Linh có kèm lời “chú giải” của nhạc sĩ Ngọc Đại là: “hãy mở rộng âm nhạc”, nhưng những âm thanh chát chúa cùng phong cách trình diễn của hai ca sĩ Thanh Lâm và Linh Dung - một với cái đầu trọc, áo nâu sồng, một với mái tóc dài rũ rượi - lăn lóc, lê lết khắp sân khấu không tạo được giá trị thẩm mỹ cho một show trực tiếp truyền hình.
Ca sĩ Linh Dung “thể nghiệm” với chiếc đầu trọc!
Làm sao những khán giả bình thường của VTV có thể “nuốt trôi” những thể nghiệm kiểu lồng trong âm nhạc là tiếng cười rú, những thanh âm gai lạnh cả người, những phát âm xí xô xí xào vô nghĩa! Không ai phủ nhận âm nhạc rất đa dạng, nhiều phong cách. Ai cũng biết nghệ thuật luôn luôn đổi mới từ những thể nghiệm. Nhưng cái gì còn là thể nghiệm thì không nên phổ biến đại trà, nhất là trên những phương tiện truyền thông mang tính đại chúng cao như sóng VTV. Khán giả truyền hình quốc gia thuộc rất nhiều tầng lớp, trình độ khác nhau, làm sao các nhà biên tập có thể yêu cầu những người nông dân, bình dân, thậm chí giới trẻ ngồi xem loại âm nhạc “khó nuốt” như “dự án Đại - Lâm - Linh”? Không ai lên án hay xem thường những thể nghiệm âm nhạc, nhưng cần đưa nó đến đúng đối tượng để cả hai phía - người xem và người trình diễn - có thể đồng cảm được với nhau.
Nên chăng biến hàng triệu khán giả thành những “chú thỏ” để thử nghiệm một chất liệu âm nhạc mà chỉ một vài người có thể “tiêu hóa” được?
Theo báo CATP
Mã:
http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&id=105150