1. Thông báo sự thay đổi của VIỆT GUITAR – HỢP ÂM HAY
    XIN CẢM ƠN!
    QT WEBSITE
    VŨ HÀ
    Dismiss Notice

Lại nói về Guitar

Thảo luận trong 'Giải đáp chung về guitar' bắt đầu bởi home_nguoikechuyen, 28 Tháng chín 2005.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thread Starter Mới tập romance

    Guitar là nhạc cụ mà bất cứ chàng trai nào cũng có lúc muốn tìm hiểu lai lịch của nó. Guitar đã chu du khắp bốn phương trời và tạo nên những chiến công hiển hách. Tiếng guitare luôn là một thứ âm thanh mê hoặc, kỳ diệu, làm say đắm lòng người. Lịch sử guitar chứng kiến lắm cảnh thăng trầm. Guitar từng có 12 dây, 3 cần, không lỗ, nhỏ như mandoline hoặc bị xem là tròn “gia trung hữu cầm, nữ tử tắc dâm”. Guitar cũng có khi xênh xang võng điều vì là trò giải khuây của giới quý tộc và con nhà gia giáo. Nhưng một trong những trường phái nổi danh nhất của guitar lại ra đời từ những con người khố rách áo ôm, lang bạt kỳ hồ. Guitar chinh phục được những vùng đất thủ cựu bậc nhất, giúp nhiều nhạc sĩ thành danh và tạo nên một sắc màu độc đáo trong số các nhạc cụ trên thế giới. Đơn giản, gọn nhẹ và còn bình dân Trong tất cả các loại nhạc cụ, guitar chiếm vị thế “chiếu trên”, lại bình dân, không đòi hỏi gì nhiều. Nó không thuộc loại ta đây Kẻ Chợ như piano, cũng chả cồng kềnh như contrebasse. Bất cứ ai cũng chơi guitare được, dù phèng phèng như bật bông hay “sáu dây rỏ máu năm đầu ngón tay” như Segovia. Trong mọi cuộc sinh hoạt tập thể, guitar tạo ngay không khí hừng hực, nối vòng tay lớn. Guitar song hành với điệu tango Nam Mỹ bốc lửa, làm nên chân dung Tây Ban Nha vấy xòe mũ rộng. Guitar chễm chệ tại Mexico nắng lửa, hiện diện tại những buổi biểu diễn trang trọng của Paris hay Vienne. Mọi ban nhạc trẻ đều không thể bỏ qua guitare điện. Khi Eagles chơi lại “Hotel California” - dù với guitar thùng thì hiệu quả vẫn thế. Chơi guitar, người ta không mỏi cổ đau vai như violon, không phình bụng lấy hơi như flute, và cũng chẳng phải đổ mồ hôi như trống. Vậy, tạo ra guitare là cả một kỳ công. Lịch sử guitar ắt hẳn là tiểu thuyết chương hồi, đầy vinh quang và nước mắt. Một bức phù điêu thời xa xưa cho thấy bên mộ vua Thèbes có hình một người đàn ông quỳ gối, cầm một nhạc cụ hơi dài và có cán. Triều đại của vị vua này kéo dài từ năm 3762 đến năm 3703 trước Công Nguyên. Các sử gia cho rằng guitar đã có 38 thế kỷ tồn tại chứ không ít ỏi gì. Ai Cập gọi nào là kithara, Chaldé gọi là chetarah, Assyrie gọi là ketharah, Hy Lạp cũng gọi là quitara). Những cuộc tầm nguyên vất vả nhất cho rằng chữ guitare bắt nguồn từ tiếng Ba Tư ki-tar (nghĩa là ba dây). Nếu điều này đúng, cụ tổ của guitare chỉ là tam huyền cầm. Nhưng lịch sử đâu có đơn giản vậy: cây kithara của dân Hy Lạp có đến 7 dây, còn ở Alexandre, vào khoảng năm 285 trước Công nguyên, có 300 nhạc công kithara. Họ đều thuộc loại ăn trên ngồi trốc, được xã hội nể vì, có quyền “ăn cổ đi trước, lội nước theo sau”. Một số người định thêm hoặc bớt dây cho dụng cụ này, nhưng bị cấm tiệt, chỉ vì thiên hạ xem tổng thể kithara là toàn bích. Thế kỷ thứ sáu, ở xứ Galles có loại nhạc cụ lai giữa guitare và lyre, có 6 dây. Nhiều cuộc so tài đã diễn ra giữa những ai yêu thích nó, thậm chí, nó còn là tiêu chuẩn cho những anh “đũa mốc chòi mâm son”, nghĩa là nghèo có truyền thống mà dám mơ tưởng tiểu thư cây quỳnh cành dao. Tại nhiều tu viện của Pháp, còn lắm bức họa tả cảnh guitare đang chinh phục lòng người. Những sử gia uyên bác nhất còn tin rằng vào thế kỷ 11, Pháp có đến 900 nhạc cụ, trong đó có 25 loại phổ thông và tất nhiên có guitare. Năm 1209, vì nhiều biến cố, các nhạc công xẻ đàn tan nghé, kẻ Đông người Đoài; thành thử phong trào tình tang cũng suýt hạ hồi. Tây Ban Nha có hai loại đàn, một là guitar latina và hai là guitare morisca. Danh thủ guitare lão luyện đầu tiên cho lịch sử là một ông mang tên Juan de Palencia (1414). Ba năm sau, nổi lên hai danh thủ khác là Alonso de Toledo và Rodrige de la Guitarra, đều công dân xứ đấu bò cả. Lúc này Pháp và Tây Ban Nha hội nhập văn hóa, thành ra âm nhạc ăn theo. Guitar được cải tiến, thêm dây, gọt lưng cho phẳng, thay vì nổi bướu như trước. Dù sao, tận khi này, thiên hạ vẫn có hai loại đàn: một là guitare dành cho đại đa số quần chúng, hai là vihuela chỉ dành cho con nhà kín cổng cao tường. (Sưu tầm)
     
  2. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thread Starter Mới tập romance

    Những bước thăng trầm của Guitare Năm 1720, vì lý do chỉ có trời mới biết, Pháp bỗng tung hô những nhạc cụ khác mà ngoảnh mặt với guitare. Còn Đức lại cải biên đàn luth cho trũng và thanh hơn, thêm vào dây thứ sáu... Lúc này, chơi đàn luth cải biên quả là khổ hình, vì rất dễ “phô”, chói tai khôn tả. Năm 1770 là năm hồi sinh của guitare, châu Âu lại đưa nó lên đài vinh quang. Thế kỷ 19 là thời hoàng kim, với những danh cầm cự phách như Matteo Carcassi và Ferdinando Carulli của Ý, hay Dionisio Aguado và Fernando Sor của Tây Ban Nha. Riêng Fernando xứng đáng là đại cao thủ. Từ bé, ông đã vùi đầu vào âm nhạc, chơi sõi cả orgue. Nhưng dù thế, guitare lại bị thất sủng lần hai trên toàn châu Âu. Họa hoằn lắm, người ta mới lôi guitare ra như một dụng cụ tiêu sầu hạng bét. Nhiều học giả nửa mùa cho rằng guitare không có âm vực rộng, chả thu hút được ai. Một bác phó mộc Tây Ban Nha tên là Antinio Torres Jurado đã mày mò chỉnh lại hình dáng và giọng hót cho guitare. Ông cũng là tổ sư trong việc dùng gỗ thông làm thùng đàn guitare. Từ năm 1940, nhân loại biết dùng dây nylon cho guitare, vì loại dây này bền và khỏe hơn, tiếng rõ và vang xa hơn. Lịch sử khai quốc của Mỹ cũng có nhiều kỷ niệm với guitare. Về sau, guitare giá rẻ được sản xuất hàng loạt và rộng rãi theo kiểu quần áo may sẵn, chả nên cơm cháo gì, lại tổn hại thanh danh vạn cổ. Trên thế giới hiện nay, có khoảng 500 triệu cây guitare đang lưu hành, từ loại cực đắt chỉ dành cho dân chơi thứ thiệt đến loại thùng một nơi ngựa một nẻo. Điều đó chứng tỏ guitare vẫn là anh cả trong làng nhạc cụ. Nhắc đến guitare mà bỏ qua flamenco là thiếu sót lớn. Flamenco là cả một nền văn hóa của Tây Ban Nha, xuất xứ từ khu Andalouise. Theo sử sách, bộ môn này là của người nghèo, dân du mục, chứ không phải thuộc giai cấp thừa tiền lắm của. Flamenco gồm ba yếu tố: hát, múa và guitare. Từ thế kỷ 16, flamenco đã thịnh hành tại một số nước châu Âu, nhưng trường phái flamenco trong guitare thì mãi sau này mới có. Đệ nhị thế chiến đã làm guitare flamenco bị gián đoạn một thời gian dài, các nghệ sĩ phải phiêu bạt kiếm sống. Thập kỷ 40 là thời kỳ flamenco trong guitare lu mờ, sau đó mới lấy lại phong độ. Kỹ thuật flamenco riêng rẽ so với đại trào lưu kỹ thuật guitare hiện đại, nhưng nhiều người vẫn cho rằng chất liệu gỗ đóng vai trò quan trọng trong cây đàn. Gỗ đàn flamenco luôn nhẹ hơn gỗ đàn thường, vì vậy nó cho ra âm thanh nhẹ và vang hơn. Đàn flamenco có một bộ phận gọi là golpeadores, để bảo vệ thùng đàn trước những cú đánh móng nhanh và mạnh. Guitare flamenco là một trường phái riêng biệt, có sức hấp dẫn riêng, tạo thế đứng riêng trong lịch sử. Người Tây Ban Nha có tình cảm đặc biệt dành cho guitare, vì vậy mà nhiều tác phẩm - cả văn chương và hội họa - đều dành vị trí trang trọng cho guitare. Grancisco Goya từng vẽ nhiều tranh về guitare. Một số tác phẩm nghệ thuật còn xem guitare là biểu tượng của Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha cũng say mê nhạc cụ này. Ý thì được mệnh danh là thủ đô guitar của thế kỷ 18. Những ai chế tạo guitare ở Ý thường là bậc thầy, từng đi xa hiểu rộng, tích lũy kinh nghiệm cũng lắm mà tài năng cũng thừa. Khi văn hóa châu Âu tràn qua tân lục địa, Argentine là xứ sở có nhiều nghệ sĩ nhất, kể cả nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ làm đàn. Trong số các anh kiệt, phải kể đến Manuel Macial và Antonio Guerrero. (Sưu tầm)
     
  3. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thread Starter Mới tập romance

    Những thử nghiệm xương máu trước khi hoàn thiện Trước kia, phím guitar khá ít, chỉ độ 10, sau đó tăng dần và được kéo dài đến tận gần lỗ tròn như ngày nay. Guitare 6 dây đơn thay cho guitar 6 dây kép là cả một quá trình gian khổ, vì bất cứ sự cách tân nào cũng bị xét nét quá đáng. Thùng đàn được mở rộng theo thời gian, không còn nhỏ xíu như xưa. Con ngựa ra đời, giúp 6 dây được căng hơn, cho ra âm thanh chính xác hơn, vì ngày xưa, chơi guitare đến là khổ: chơi một lát lại phải chỉnh lại dây đã lạc thê thảm. Về sau, các dây trầm được làm bằng kim loại quấn quanh tơ tằm. Để có được hình thù như ngày nay, guitare trải qua nhiều cuộc thử nghiệm xương máu, có lúc là quái thai. Thế kỷ 17, guitare có đến 3 cần đàn, mỗi cần 7 dây, chả hiểu làm sao chơi! Mấy ai ngờ: nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert, do không đủ tiền mua piano, đã tạm bằng lòng với guitare, nhờ vậy mà nhân gian lại có những khúc nhạc bất hủ. Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ lại chưa dành cho guitare vị trí độc tôn, vì họ thường soạn những khúc tứ tấu cho lalto, flute, violoncelle và guitare. Thời kỳ thăng hoa sau cuộc thi danh cầm của châu Âu. Trong khi đó, tại Nga, guitare 7 dây lại là nhạc cụ khác được “chăm nom” cũng theo kiểu khác. Simeon N. Aksenow là cha đẻ của loại đàn này. Về sau, guitare 6 dây thật sự chinh phục nước Nga, làm nhiều người thề cả đời theo nghiệp kéo violon bỗng chuyển hướng. Số nghệ sĩ violon chuyển sang gãy guitare ở Nga là rất đông. Năm 1856, tại Bruxelles, nghệ sĩ Nga Nicolas, P. Marakow đã tổ chức cuộc thi guitare đầu tiên dành cho các danh cầm châu Âu. Đây thật sự là một cơn “Hoa sơn luận kiếm” của những ai yêu guitare. Những kỳ nhân của cựu lục địa đã tề tựu và tranh tài cũng như góp ý cho việc hoàn thiện guitare. Từ đó, hầu như không còn cuộc hội ngộ nào mang tầm cỡ vang danh bốn bể như vậy nữa. Fernando Carulli xứng đáng là một đại danh cầm trong làng guitare của thế giới khi để lại 360 tác phẩm bất tử và cả 3 quyển sách dạy cách “chơi đùa với guitare”. Sau ông là Matteo Carcassi, người phát triển kỹ thuật Carulli lên cấp cao hơn, biến giáo trình này thành đại giáo trình chung nhất cho cả lục địa. Niccolo Paganini thường được đời ca tụng về tài kéo violon, nhưng ít người biết rằng ông còn là nghệ sĩ guitare có cỡ: 140 tác phẩm solo dành cho guitare đã đến từ con người tài hoa này. Một nghệ sĩ Pháp khác là Napoléon Coste lại bị bỏ quên chỉ vì tai nạn đã cướp đi bàn tay phải của ông. Nếu không sự nghiệp của ông còn vẻ vang hơn nhiều. Guitare đã xoay chuyển thời cuộc không ngờ; nhiều nhạc sĩ trước kia chỉ sáng tác cho piano hay violon đã xoay sang sáng tác cho guitare với tâm huyết cả đời. Họ hối hận vì từng xem thường một nhạc cụ lừng lẫy. Cả Von Weber và Richard Wagner đều dành cả phần xác lẫn phần hồn cho guitare. Một cây đại thụ trong làng guitare là Andres Segovia đã đưa nghệ thuật biểu diễn guitare lên nấc thang danh vọng mới. Kỹ thuật di chuyển của bàn tay trái và “phù phép” của bàn tay phải được Segovia hoàn thiện đến mức không còn gì để than phiền. Segovia đã đào tạo nhiều đệ tử chân truyền thuộc loại bảo thủ, với những phong cách riêng biệt, xuất sắc. Guitare lần hồi chinh phục những vùng đất khó tính nhất trên địa cầu. Nhật Bản - sau chiến tranh - đã có nhiều nghệ sĩ biểu diễn và chế tạo guitare. Trước đây, Nhật Bản là một trong những vùng đất “khép” của guitare. Các tạp chí chuyên về guitare ra đời, có số độc giả rất lớn, thu hút những cây bút có uy tín nhất. Trong số sách báo và tạp chí dành riêng cho guitare, phải kể đến Classical Guitare Magazine (Anh) hay Classical Guitare và Guitar Magazine (Mỹ). Hai tạp chí này đang được phát hành trên cả mạng lưới Internet. Khi âm nhác hiện đại làm người ta có cách nhìn mới và cả cách nghe mới, guitare - dù là thùng hay điện - vẫn để lại những dư âm huyền ảo nhất. Guitare đã tạo ra những tên tuổi như Eric Clapton, Jimmy Hendrix, Jeff Buckley và Ben Harper. Guitare điện để lại nhiều khúc solo fantasie cực kỳ biến ảo như trong “The house of the rising sun”, “Hotel California”. Người Pháp một thời không thích ca sĩ Enrico Macias, nhưng phải gật gù công nhận ca khúc “Guitare, oh guitare” của ông là tuyệt cú mèo. Guitare xóa được định kiến như vậy đó. Trong điện ảnh, người ta từng có ý định thống kê số lần guitare xuất hiện trên màn bạc, nhưng đành bỏ dở, vì không làm được. Hiện nay, tại một số vùng của Mỹ, guitare 12 dây vẫn được sử dụng một cách bài bản, để nhắc lại thuở vàng son của Blind Willie McTell. Cụ tổ của guitare 12 dây là Oscar Schmidt và nơi chôn rao cắt rốn của loại guitare này là New Jersey. Ông hoàng của loại nhạc cụ này là Huddie Ledbetter, với kỹ thuật chuyên hợp âm thần sầu quỷ khốc. Vì nhiều nguyên cớ, guitare 12 dây lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho guitare 6 dây phổ thông như hiện nay.(Sưu tầm)
     
  4. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thread Starter Mới tập romance

    Lịch Sử Của Cây Guitar Bass Thuật ngữ Bass Guitar ra đời khá muộn, khoản đầu thập niên 60, khi cây đàn Contra Bass (còn được gọi là Arcobass hoặc Double Bass) được cách mạng hoá để trở thành cây bass điện ngày nay. Cây đàn bass nguyên thuỷ thuộc họ đàn Viol (họ đàn dây dùng vĩ để kéo bao gồm Violon, Viola, Violon Celle và Cello) xuất hiện từ thế kỉ thứ 17 với cái tên gọi đầu tiên là Violon da Gamba, cao khoảng 2m4 với 5 dây làm bằng ruột cừu hoặc ruột lợn (Gut strings).Cũng giống như các loại đàn cùng họ, cây Violon da Gamba cũng được kéo bằng vĩ (bow). Điểm thú vị của cây đàn này là lúc đầu nó được chia ngăn (fret) giống như cây đàn bass hiện đại. Đây là một điều trái khoáy vì những nhạc cụ trong họ Viol đều không chia ngăn trên cần đàn. Đến thế kỉ thứ 18, dây thứ năm và các ngăn được bỏ đi. Cây Violon da Gamba có hình dạng gần giống như cây Contra Bass sau này. Đến thời điểm đó (đầu thế kỉ thứ 18), việc chơi cây đàn có kích thước to quá khổ với những sợi dây đàn to như sợi dây thừng là một cực hình. Việc lên dây cũng như thay dây cũng tốn khá nhiều công sức. Người ta đã nhiều lần tìm cách loại cái của nợ này ra khỏi dàn nhạc để phần bè trầm cho Violone (loại đàn này khác với Violin tức là vĩ cầm) và Cello đảm nhiệm. Tuy nhiên những nguời có tâm huyết với cây đàn này đã một lần nữa cải tạo nó, giảm kích thước của nó xuống khoản ngang đầu người (bằng khoản 3/4 kích thước cũ) và thay các dây ruột cừu bằng ruột mèo và thống nhất một cách lên dây chung (trước đây có đến 4 cách lên dây khác nhau). Cái vĩ cũng được bỏ đi để người chơi có thể dùng các ngón tay của mình để chơi. Cây Contra Bass được cải tiến thêm vài lần nữa cho đến tận thế kỉ thứ 19 mới dừng lại. Người ta đã thử chế những cây Octobasse hay còn gọi là Grand Bass cao khoăng 15 feet , có ba dây và cần đến hai người để chơi. Tuy nhiên mọi cải tiến chẳng làm nên được gì nên tất cả trước sau đều thất bại. Cây Contra Bass đến đầu thế kỉ 20 được giảm kích thước thêm một lần nữa,con ngựa (bridge) được nâng cao hơn và phần chân chống (tailpin) được gắn thêm ở dưới đáy để phần đáy đàn tránh tiếp xúc với mặt đất. Lần này người ta đặt cho nó cái tên Arco (sidon) Bass và thôi không nâng cấp cải tiến nữa. Cây Arco Bass được sử dụng khá nhiều trong nhạc Jazz, Blues, nhạc nhà thờ và nhạc Semi-Classic (trong nhạc Classic, nguời ta vẫn sử dụng cây Contra Bass). Cho đến nay, cây đàn này vẫn được sử dụng trong các nhà thờ bên cạnh Piano, Accordeon và Violin. Vậy gọi cây đàn rắc rối này bằng cái tên gì cho đúng: Contra Bass, Double Bass hay Arco Bass? Nếu gọi một cái tên chung thì Double Bass là cái tên chính xác nhất. Nguồn gốc của cái tên này thì có khá nhiều tranh cãi. Có nguời nói gọi là Double Bass vì kích thước và cường độ âm thanh của cây đàn này phát ra gấp đôi các loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc giao hưởng (Nguời ta chỉ cần đến 1 cây Contra Bass trong một dàn nhạc trên 20 người). Có giả thuyết lại cho rằng cái tên gọi Double Bass xuất phát từ nhiệm vụ làm nền (doubling) của nhạc cụ này. Cũng có người bảo rằng chính hai khe cộng âm hình chữ C (doubled C-shape sound holes) nằm ở hai bên hông đàn đã khiến cho cây đàn mang tên là Double Bass, giả thuyết này xem ra kém thuyết phục vì các nhạc cụ họ Viol đều có Double Sound Holes hai bên thân cả. Trở lại vấn đề của chúng ta, như đã nói, Contra Bass có kích thước to hơn, khi chơi người chơi phải đứng để chơi, trong khi Arco Bass có kích thước nhỏ hơn, người chơi có thể ngồi và để cây đàn tựa vào người của mình như Cello. Cây guitar bass ngày nay Đến năm 1959,cây Guitar Bass vẫn còn chưa ra đời. Nếu bạn đã từng xem Elvis Presley biểu diễn bài Heartbreak Hotel hoặc Hound Dog thì vẫn thấy sự hiện diện của cây Contra Bass phía sau. Đến năm 1960, nhu cấu chơi nhạc rock bắt đầu bùng phát mạnh mẽ, những nhà làm đàn đã điện khí hoá cây guitar mới bắt đầu nghĩ đến việc điện khí hoá cây đàn bass. Dựa trên hình mẫu của cây guitar điện, người ta bắt đầu tạo ra cây guitar bass gồm 4 dây bằng kim loại, cần đàn được chia thành các ngăn (từ 28-32 ngăn) với thùng đàn đặc và bộ phận khuyếch âm. Đến năm 1967 thì cây Guitar Bass 5 dây và 6 dây cũng ra đời và cho đến nay, đã có loại Guitar Bass 7 dây.Tuy nhiên về cấu tạo thì hầu như không có gì thay đổi nữa. Bass điện cũng sử dụng những đồ nghề giống như guitar điện chỉ trừ bộ phận biến âm Distortion ít được sử dụng hơn. (Sưu tầm)
     
  5. Shika

    Shika Mới tập romance

    Hê bác ăn cái bài này ở đâu ra vậy mà dài wa' trời,nhưng vẫn cảm ơn bác nha [​IMG]
     
  6. boyrock

    boyrock Đồ rê mi fa sol ...

    Hay, bài này hay wá. Cho mình nhiều hiểu biết về guitar
     
  7. matt

    matt Đủ trình cưa gái

    hay wa .Đọc vài chữ đã thấm.Quả là hữu dụng
     
  8. DATMA

    DATMA Mới tập romance

    Good Job ManĐọc hết rùi... Tra tấn [​IMG] [​IMG]
     
  9. Guitar_Mylove

    Guitar_Mylove Mới tập romance

    Hay wá !Mở mang thêm dc nhiều :
     
  10. quachdung

    quachdung Mới tập romance

    ([​IMG] chà! đọc ban đêm...đọc xong chả nhớ gì cả...nhưng vẫn tặng bác 3* gọi là... [​IMG]" border="0" alt="41.gif" />
     
  11. nan

    nan Mới tập romance

    Lần sau bác tra tấn bọn em nhè nhẹ tí nha, không đọc thì uổng mà đọc thì nãn
     
  12. sasame

    sasame Đồ rê mi fa sol ...

    Bạn sưu tầm bài này hay quá :))
     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này