1. Thông báo sự thay đổi của VIỆT GUITAR – HỢP ÂM HAY
    XIN CẢM ƠN!
    QT WEBSITE
    VŨ HÀ
    Dismiss Notice

Johan.S.Bach và A.S.Huxley

Thảo luận trong 'Giải đáp chung về guitar' bắt đầu bởi hx_classic, 19 Tháng mười hai 2006.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. hx_classic

    hx_classic Thread Starter Lãng tử thất tiền thiếu tình

    Ann Edward BennisJ. S. Bach và A. S. Huxley: một kết cặp lạ lùngVũ Ngọc Thăng dịch và chú thíchÐiều gì có thể nối kết J. S. Bach, bậc thầy về nhạc thánh ca của thế kỉ 17, và A. S. Huxley, bậc thầy về trào phúng xã hội của thế kỉ 20? Sự nối kết thấy rất rõ trong một tiểu thuyết của Huxley. Huxley (1894-1963) - một nhà văn sáng tác nhiều và hóm hỉnh ngoại hạng - có một trí nhớ bách khoa và một kiến thức âm nhạc sâu rộng. Ông vui sướng khi bàn về âm nhạc, như chúng ta thấy trong tập tiểu luận Music At Night (1931), và trong vài quyển tiểu thuyết của ông. Về quyển tiểu thuyết Point Counter Point (1928), Huxey cho biết, tư tưởng và cấu thức của nó dựa trên kĩ thuật đối điểm của Bach. Lời khẳng định này thấy rất rõ trong cấu trúc tổng thể của Point Counter Point, và rất cụ thể trong bốn chương đầu. Chúng tập trung trong bản Suite cung Si thứ [1] của Bach. Các chương mở đầu của quyển tiểu thuyết được dàn dựng trong một phòng nghe nhạc, gọi là Sảnh đường Tantamount, ở một ngôi biệt thự lớn. Chúng ta đang dự một buổi hòa nhạc. Nhóm thính giả bất đắc dĩ, đang ngồi chịu trận dàn nhạc; một số tỏ vẻ lúng túng, một số ra điệu ra bộ, số khác thì xì xào. Một người lầm bầm cốt để người khác nghe: "Thật đúng là một cái viện cho người câm điếc."(tr. 27). Phu nhân Edward Tantamount nghe được lời bình phẩm, phẩy cái quạt đà điểu về phía người vừa lầm bầm. Trong lúc ấy, các nhạc sĩ tiếp tục chơi bản Suite. Bản Suite cung Si thứ này trở thành tụ điểm của các chương tới, trong đó Huxley thể hiện tính song hành giữa văn bản với nhạc bản của Bach. Qua cách bình phẩm súc tích, dí dỏm, song luôn luôn cung kính, lời lẽ giúp chúng ta trải nghiệm bản Suite. Chúng ta nghe nó, cảm nó, nhận biết nó. Rồi chúng ta đọc đoạn miêu tả trào phúng về người nhạc trưởng. Ông ta đang "dập dờn uốn người kiểu thiên nga và vạch lên không trung những đường cong lượn là khêu gợi với đôi cánh tay gợn sóng... các cây vĩ cầm và hồ cầm quẹt cọ theo mệnh lệnh của ông ta, trong lúc trạng thái chiêm nghiệm của Bach trùm phủ không gian" (tr. 27). Rồi Huxley giới thiệu chương Largo - chương đầu của một tổ khúc - với tiết tấu chậm, trang trọng của nó: "Trong chương mở đầu Largo, John Sebastian buông ra câu khẳng định: 'Có những điều hệ trọng trên thế gian, những điều cao cả; có những kẻ sinh ra vương giả; có những kẻ lập nên kỳ tích và có những anh hùng' " (tr.27). (Xin mở ngoặc chỗ này, khi đọc những dòng viết của Huxley về bản Suite, thì như thể chúng ta đang nghe bản suite ghi âm, chúng ta có thể cảm thấy tính cách trang trọng và uy nghi của chương Largo và không khí đổi khác ở các chương sau. Chuyến lắng nghe có thể là một cuộc trải nghiệm tâm linh, một kinh nghiệm tôn giáo, như Huxley xác nhận trong một lá thư viết 40 năm sau Point Counter Point. Một đoạn thư sẽ kết thúc bài viết này.) Sau chương Largo, Huxley suy gẫm về đoạn sắp tới, khúc Fugue, hoặc "fugal Allegro". Tại đây, tác giả viết: "Bạn như tìm được chân lí. Trong sáng, rõ ràng, không thể nhầm lẫn, nó được các cây vĩ cầm thông báo." (tr. 27). Lúc này, chữ nó,hoặc chân lí, chỉ cái mà trong một khúc fugue gọi là subject - trong ngôn ngữ thông thường: nhạc đề hoặc mô-típ. Trong bản Suite của Bach, nhạc đề này được lập đi lập lại và đan kết giữa các nhạc cụ - sáo, hồ cầm (cello), và vĩ cầm. Ðối với Huxley, nhạc đề của khúc fugue, chân lí, trở thành một thực thể cảm nhận được. Ông nói: "Bạn cầm nó; nó tuột khỏi sự nắm giữ của bạn để mà trở lại trong một diện mạo khác với các cây hồ cầm, rồi lại đến lần nữa với cột không khí ngân vang." (tr. 27). ["Cột không khí/Air column" là một uyển ngữ của Huxley, chỉ cây sáo]. Trong bản Suite, chúng ta nghe thấy cái subject, hoặc nhạc đề, đầu tiên là từng lần một, sau đó được nối kết với những cây đàn dây, và cuối cùng, với cây sáo. Suốt mỗi chương, Bach liên tục tiến hành kĩ thuật đối điểm và đan kết. Huxley dẫn luận kĩ thuật này qua hai đoạn ngắn, trực tiếp, có thể xem như các định nghĩa dễ hiểu về kĩ thuật đối điểm cho ai không phải là nhạc sĩ. Trong đoạn thứ nhất, chúng ta lắng nghe dàn nhạc và "các bè nhạc sống đời sống riêng của chúng; hành trình của chúng bắt chéo nhau, chúng kết hợp trong một giai đoạn để tạo ra một sự hài hòa như thể rốt ráo, hoàn hảo, chỉ để chia tay nhau lần nữa" (tr. 27). Ở đoạn sau, nghệ thuật đối điểm được kịch tính hóa, khi Huxley để các nhạc cụ tranh cãi nhau: "Mỗi bè nhạc tỏ vẻ đơn độc, riêng rẽ và cá biệt. 'Tớ là tớ. Thế giới xoay quanh tớ', cây vĩ cầm khẳng định. 'Quanh tớ', cây hồ cầm tuyên bố. 'Quanh tớ', cây sáo nhấn nhá" (tr. 28). Về chương kế tiếp của bản Suite, khúc Rondeau, Huxley bày tỏ: "Nó có một vai trò đặc biệt và John Sebastian cho thấy như thế". (Xin lưu ý sự thú vị trong cách Huxley gọi tên thánh và như người trong nhà, thay vì cách gọi thường dùng - Bach). Dàn nhạc bắt đầu khúc Rondeau, chương mà theo Huxley là một điệu nhạc "du dương một cách tinh tế và mộc mạc". Rồi tác giả tự cho phép mình mơ màng trong một cung cách hết sức riêng tư, cung cách có thể bị bản thân Bach hoặc những ai yêu Bach hoặc các nhà nghiên cứu - những người biết Rondeau là một điệu vũ truyền thống của Pháp được cách điệu hóa - bác bỏ. Huxley cũng biết, nhưng ông biểu lộ cái ông cảm, chứ không phải cái ông biết. Trong giây phút mơ mộng, lãng mạn, ông trầm tưởng khúc Rondeau: "Ðây là một cô gái đang hát cho chính mình - thương xót, dịu dàng. Một cô gái trẻ ca hát giữa các ngọn đồi dưới những đám mây trôi trên đầu" (tr. 28). Huxley gọi các hình ảnh tưởng tượng ấy là những ý nghĩ của ông. Ông gọi chúng là những mộng ước hoặc cảm xúc. Dòng suy tưởng tiếp tục trong khi Huxley giới thiệu chương nhạc tiếp sau chương Rondeau. Ðây là một khúc Sarabande. Trái với khúc Rondeau hoạt bát, thong dong, khúc Sarabande là một điệu vũ trang trọng mà giai điệu của nó có thể dễ dàng được thêm những nét luyến láy hoa mĩ. Ðối với Huxley, khúc Sarabande là một "cuộc chiêm nghiệm chậm rãi và trìu mến về cái đẹp (bất chấp cái bệ rạc), cái thiện (bất chấp cái ác), cái toàn nhất (bất chấp cái li tán hoang mang) của thế gian." (tr. 28). Huxley tiếp tục các tính cách tương phản đạo đức học ấy với một câu hỏi mang tính tu từ về âm nhạc: "Ðây là ảo tưởng hay sự mặc khải ra chân lí sâu kín? Ai biết đây?" (tr. 28). Sau các trang viết tập trung trên chính bản Suite, đột nhiên chúng ta được trở ngược về buổi hòa nhạc. Huxley cuốn hút chúng ta trong âm nhạc đến mức chúng ta hầu như quên mất cử tọa. Một lần nữa, giống lúc mở đầu, một lời lầm bầm cốt để người khác nghe, xen giữa dàn nhạc đang chơi. "Khúc nhạc này đang trở nên tẻ nhạt. Không biết nó có dài lê thê không?" (tr. 28). Một ít lời rì rào theo sau, với loạt đồng thanh "su-su-uỵt". Huxley đối điểm cái buồn chán bằng một trong những lời ngợi ca mà ông dành cho Bach, gọi nhà soạn nhạc là một nhà thơ: "Bach, nhà thơ, đã chiêm nghiệm chân lí và cái đẹp." (tr. 28). Sự dao động của đám thính giả so với bản nhạc, sự dao động của thế thái nhân tình so với nghệ thuật, một lần nữa cung ứng một ví dụ tiêu biểu cho cách kết cấu đối điểm. Với các giai điệu thúc đẩy, tương phản lẫn nhau, chương 2 chấm dứt. Khung cảnh thay đổi trong chương 3. Chúng ta đang ở trong biệt thự, vượt lên bốn thang lầu, tại một phòng thí nghiệm khoa học, nơi huân tước Edward và người phụ tá đang bận mổ một con gián nhỏ. Huxley miêu tả cuộc khám nghiệm với một sự tỉ mỉ vi mô. Chẳng chóng thì chày "các đoạn nhạc của bản Suite cung Si thứ sẽ từ cái Sảnh đường Lớn lơ lửng kéo đến lỗ tai các vị này, nhưng họ quá bận để mà nghe" (tr. 36). Một lúc sau, khi một "điệu thức tự nó vạch lên bầu không khí im lặng," huân tước Edward nghe được và khẽ hỏi: "Bach?" (tr. 38). Vài đoạn tả cận cảnh khôi hài tiếp theo, nói về cung cách dòng nhạc nẩy lưng tưng quanh lỗ nhĩ Edward và cung cách vị huân tước vừa thở dài sườn sượt vừa ngây ngất như thế nào, "Ôi Bach! Mắt ông ta đê mê". Tại điểm này, trong một ví dụ đối điểm khác, Huxley lập lại hầu như nguyên văn câu viết về khúc Rondeau: "Một cô gái trẻ đang hát cho chính mình trong nỗi cô đơn, dưới những đám mây trôi" và "huân tước Edward cảm thấy khao khát Bach không thể cưỡng lại được. Thế là ông bước xuống nhà dưới để lắng nghe" (tr. 38). Chương 4 của quyển tiểu thuyết mở đầu với điệu vũ cuối cùng trong bản Suite của Bach. Ðiệu vũ mang phong cách rộn rịp, nô đùa tung tăng - một chương nhạc vui sướng, thanh thoát, khác hẳn chương Largo ban đầu. Khi miêu tả điệu vũ, Huxley sử dụng các biệt ngữ toán học - một bút pháp thích hợp khi bàn về Bach, người lúc nào cũng rõ ràng, đúng mực, và chính xác, kể cả khi các nốt nhạc tuyệt vời của ông tuôn chảy lưu loát và thoải mái. Bản nhạc kết thúc với các phép ẩn dụ toán học theo lối ngắt âm: "Các định đề Euclide biến thành ngày nghỉ... Số học tiến hành phiên hội Satuya cuồng dại. Ðại số học nhảy cỡn. Dòng nhạc kết thúc trong buổi hoan lạc ngất ngây của một ngày hội toán học... Cơn lũ láo nháo sổ lồng." (tr. 42). Giữa cái láo nháo được phóng thích này, quan khách nói chuyện thức ăn thức uống, chuyện ngồi lê đôi mách và đủ thứ chuyện tầm phào khác, mà chẳng lộ tí dấu hiệu nào cho thấy niềm kính phục, hứng khởi, và yên lắng mà một con tim có thể được chan hòa khi phơi mở trước cái đẹp của Bach. Qua các đoạn ấy, Huxley chứng tỏ tài năng châm biếm tuyệt vời của mình, bằng cách trộn lẫn các tính cách nghiêm túc và lố bịch, nhạy cảm và thô thiển, cao cả và hèn mọn. Ðến chương 5, nhạc của Bach đã hết, nhưng những cấu trúc của Bach vẫn tiếp diễn xuyên suốt 500 trang của quyển tiểu thuyết. Tương phản giữa quá khứ và hiện tại, trẻ và già, sống và chết, yêu và ghét, đọ sức nhau. Kĩ thuật đối điểm này cũng biểu thị phong cách của Huxley; chẳng hạn, ở phòng thí nghiệm, lúc vị huân tước đang khảo sát con bọ, các âm điệu của bản nhạc được phác họa tỉ mỉ trong lỗ tai ông. Việc vận dụng bản Suite cung Si thứ là một phương thức loại suy táo bạo và mạo hiểm. Chúng ta, con người, có thể nhìn nhiều sự vật cùng lúc; có thể nghe nhiều thứ cùng lúc; nhưng có thể nào chúng ta đọc được nhiều cấp độ cùng lúc không? Không dễ. Nhưng qua cách nào đó Huxley bắt chúng ta phải làm điều này trong Point Counter Point, tác phẩm vốn phỏng theo kĩ thuật âm nhạc của Bach một cách có ý thức và tính toán kĩ lưỡng. Ðôi lúc trong quyển tiểu thuyết, Huxley thành công khi đưa vào ba cuộc chuyện trò thâm nhập lẫn nhau, giống các cây vĩ cầm, hồ cầm, và sáo trong bản Suite. Ngoài ra, ông có thể đan kết vài nhạc đề, uyển chuyển tạo ra một mạng song hành và tương phản, giống như phương pháp của Bach. Thế nên, phương thức loại suy táo bạo của Huxley cho thấy sự hiệu lực của nó. Tôi xin kết luận với một đoạn trích từ lá thư của Huxley như đã đề cập bên trên. Ông viết thư này năm 1955, bốn mươi năm sau Point Counter Point [các lá thư của Huxley được xuất bản năm 1969]. Huxley lúc ấy đã mang bệnh và thuốc LSD [2] là một trong các thứ thuốc được kê toa. Lá thư gửi cho vị bác sĩ của ông, đề cập về chuyện uống thuốc LSD, chuyện nghe bản Suite cung Si thứ của Bach. Lời kể có phần bình thản, song mang tính siêu nghiệm, trần tình, và sắc sảo, dội thanh các cảm xúc mà Huxley phản ánh trong Point Conter Point: Tôi nghe bản Suite cung Si thứ của Bach, và cảm nghiệm tràn ngập...Bach là một sự mặc khải. Nhịp thức của bản nhạc không kết thúc: chúng tiếp tục thế kỉ và thế kỉ, biểu thị của một tính cách sáng tạo bất tận - một ấn tượng về toàn bộ cái cốt yếu xác đáng của vũ trụ... John Sebastian là ai trên thế gian này? Chắc chắn không phải là một cụ già quyền quí với 16 người con [3] trong một môi trường tôn giáo hẹp hòi! Ðúng hơn, ông là một cuộc biểu dương vĩ đại về Cái Kia/Kẻ Khác - về Thượng Ðế - sẵn sàng hiện thân qua trí tuệ, giác quan, và cảm xúc... Lắng nghe bản Suite cung Si thứ mang lại cho tôi một sự lĩnh hội tức thời, trực tiếp về bản chất của tính thánh thần (tr. 779).Tư liệu trích dẫn: Aldous Huxley, Point Counter Point , Modern Library, N.Y. 1928, tr. 27, 28, 36, 38, 42. Letters of Aldous Huxley, Grover Smith, ed. Harper and Row, N.Y. 1969, tr. 779. Nguồn: Ann Edward Bennis, 'An Odd Couple: J. S. Bach and A. S. Huxley', JOHANN SEBASTIAN BACH: A Tercentenary Celebration, Edited by Seymour L. Benstock, Greenwood Press, 1992.[1]Trong số 1126 nhạc bản tìm lại được của Bach xếp theo danh mục BWV (Bach-Werke-Verzeichnis/Danh mục tác phẩm của Bach theo thể loại), có 6 Tổ khúc cho dàn nhạc/ Ouverture hoặc Orchestral Suite hoặc Sinfonia BWV 1066-1071 (riêng BWV 1070 có lẽ được con trai đầu của Bach, Wilhelm Friedemann Bach, viết). Tổ khúc bàn trong bài này là Suite n. 2 in Si minor BWV 1067. Bạn đọc muốn làm quen với nhạc Bach có thể thử nghe bài này (bản thân người dịch, trong những kinh nghiệm đầu tiên khi tiếp xúc với nhạc Bach, nhờ được nghe tác phẩm này, nên đã tìm đến và trở thành một trong số đông đảo người mê và nhận được nhiều phúc lạc từ âm nhạc của ông). [2]LSD (Lysergic acid diethylamide): chất hóa học làm nên loại thuốc có khả năng thay đổi trạng thái, ý nghĩ hoặc nhận thức của người dùng. [3]Bach có 20 người con, từ hai đời vợ (7 với Maria Barbara Bach và 13 với Anna Magdalena Bach), trong số đó, 5 người mất lúc ra đời hoặc chưa được 1 tuổi, 5 người mất khi chưa quá 5 tuổi.bài viết em sưu tầm, thấy bổ ích quá nên post lại cho anh em VG mình tham khảo</span>
     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này