Mỗi cây ra một loại trái, khi trái chín thì lại hướng về đất mẹ. Đời một con người cũng vậy, dù đi xa muôn nẻo, nhưng mỗi người luôn dành vị trí thiêng liêng nhất trong trái tim cho quê hương, cho cội nguồn. Thế An cũng là một người con xa quê, và hơn nữa, anh còn là một nghệ sỹ ghita. Sự rung động trong anh, nỗi nhớ và những khát khao trong anh được truyền tải nguyên vẹn qua bản nhạc bèo dạt mây trôi mà anh chuyển soạn cho cây đàn ghita. Nếu như ở giai điệu và lời hát của bản nhạc bèo dạt mây trôi, người ta thấy được lời ca và giai điệu mang một màu sắc buồn da diết , thì trong tác do Thế An trình tấu, nỗi da diết khắc khoải đó còn được nhân lên gấp bội trở thành cao trào của toàn bộ tác phẩm qua thủ pháp tremolo độc đáo của anh. Bản nhạc đã thành công, không bởi cầu kỳ về nốt nhạc hay độ khó trong kỹ thuật và tốc độ, bản nhạc thành công do đã làm rung động người nghe, hút người nghe vào tác phẩm. dẫn người nghe đến cao trào của cảm xúc mà trước đây các bản bèo dạt mây trôi khác và kể cả bài hát cũng không làm được.Bèo dạt mây trôi... chốn xa xôi.... anh ơi , em vẫn đợi, vẫn chờ..... Mở đầu đã là chia ly, mở đầu đã là sự lênh đênh không hẹn ngày về, nhưng niềm tin và lòng thủy chung thì vẫn còn đó, vẫn sắt son một lòng chờ đợi. Khi 6 dây reo lên ở những ô nhịp đầu tiên, cũng là lúc người ta thấy hợp âm 4 lan tỏa như mênh mang như sóng nước, ở đây, trong tác phẩm mà Thế An trình tấu, có cái gì đó trong sáng hơn, có cái gì đó tươi tắn hơn chứ không được vẻ buồn nữa, mặc dù nền giai điệu được giữ chính xác đến từng câu luyến khó nhất. Ở biến thể đầu tiên, hợp âm 4 được buông đều đặn rải qua đều 6 dây giữ nhịp cho các nốt bè cao buông giai điệu chính, và cũng là giữ cho sóng nước luôn dập dềnh trôi, ở biến thể thứ hai, với lối đảo bè, Thế An đã mang đến hiệu quả của một dàn nhạc nhỏ khi chuyển giai điệu lên bè trầm và bè cao anh chơi các hợp âm làm nền ở một cường độ nhỏ. Chính vì tiết tấu của các hợp âm này khá là đa dạng, lúc nhanh lúc chậm, trong khi bè trầm giai điệu thì cứ thong thả dập dềnh, nên cảm giác không gian âm nhạc được mở ra rất rộng, tất cả như một khúc hòa tấu hoàn hảo của một dàn nhạc ghita nhỏ. Ở phần biến thể thứ 3, Thế An áp dụng kỹ thuật tremolo 4 ngón trên hai dây bè cao. Đây là một kỹ thuật mà anh đã học được từ người thầy người của anh- Stepan Rak. trong những năm tu nghiệp tại nước ngoài. Giai điệu giờ đây đã được chuyển về bè cao, thong thả và tự tin. Trong khi bè trầm chạy những âm giai gần gũi với âm nhạc dân gian, gần gũi với làn điệu quan họ. Cao trào của bản nhạc thực sự bắt đầu khi Thế An nhấn mạnh vào hợp âm giảm , kết hợp tremolo ở bè cao và hợp âm gảy bằng ngón cái ở bè trầm, không khí bản nhạc đã thay đổi, từ đây, người ta nghe có gì đó đã thoát ly khỏi giai điệu cũ, có cái gì đó mà tác giả đã truyền tải, đã gửi gắm?...đến lúc này, cả 6 dây cùng hòa lên khi Thế An chuyển từ tremolo 4 ngón hai dây sang rasg cùn lúc 4 dây bè cao còn ngón cái gảy hợp âm trên hai dây bè trầm. Khúc nhạc đã vượt qua chính nó, người ta đã bị cuốn vào khúc nhạc chính là ở lúc này, say mê và cảm phục, hòa mình vào âm thanh và những khát khao mà tiếng đàn đem lại. Nghệ thuật là gì, nếu như không phải là cái đẹp và hướng thiện, âm nhạc của Thế An trong tác phẩm này đã vươn tới điều đó, không chỉ truyền tải giai điệu dân ca, không chỉ truyền tải cảm xúc của tác phẩm, hơn thế nữa, những rung động những khát khao của riêng anh, của người con xa quê, cũng được anh thể hiện hòa trong cao trào chung của tác phẩm. Điều này là không thể với ca khúc nguyên thể. Bản nhạc khép lại nhưng những âm vang của nó, sự dồn dập của cao trào như vẫn vảng vất xung quanh, người nghe vẫn lặng đi như thể hãy còn đang đắm chìm trong âm nhạc. Cảm ơn Thế An, rất đơn giản, vì anh đã tặng tôi một bản nhạc hay, rung động lòng người. Thiết nghĩ rằng, một bản nhạc hay nghĩa là nó tự có sức sống của riêng nó, thậm chí người nghe không cần biết đến ca khúc gốc thì nó vẫn hay và vẫn là một tác phẩm hoàn chỉnh. Đó là điều mà bản nhạc Bèo dạt mây trôi do Thế An chuyển soạn và trình tấu đã làm được, và cũng là đích hướng tới của nhiều ca khúc chuyển soạn khác.
Click to expand...