Vọng theo tiếng đàn
Nghề làm đàn guitar, violin, mandoline… đang ngày càng tàn lụi, cả Sài Gòn chỉ còn khoảng 10 điểm sản xuất đàn với 2 – 3 nghệ nhân sống chết với nghề. Lê Thiên Ân, một nghệ nhân làm đàn mang thương hiệu Myriam, là một người như thế
![[IMG]](http://i874.photobucket.com/albums/ab307/chienbinh_vutru/255bf407.jpg)
Theo nghề đàn của người cha – một học sinh trường dòng Lasalle ở Nha Trang, ông được học về âm nhạc, âm học, nắm rõ các kỹ thuật hay dở của đàn, từ đó ông tự mày mò làm ra những cây đàn mang phong cách châu Âu với chất liệu Việt Nam, và phát triển nghề đàn truyền dạy cho những người con của ông – Lê Thiên Ân từ nhỏ đã làm quen với đàn, đến 16 tuổi đã tự mình chế tác một cây đàn hoàn chỉnh mang phong cách rất riêng ở dòng guitar cổ điển. Tính đến nay, 36 tuổi đời, cũng có thể nói chừng ấy tuổi nghề, cuộc đời trôi nổi, Ân từng làm thầy dạy nghề đàn, cũng từng vào tù ra khám vì tội ăn cướp, rồi hoàn lương trở lại với nghề đàn.
Làm thầy từ niên thiếu
Sống cùng cha, phụ giúp cha làm những cây đàn giá trị, kỹ thuật chế tác đàn thấm vào máu Ân từ nhỏ. Cha anh, cụ Lê Thương Tâm nổi tiếng trong giới làm đàn và chuyên chỉnh sửa, phục chế những cây đàn cổ có giá trị của các nghệ nhân lớn trên thế giới như Antonio Stradivari (tên theo tiếng Latinh là Stradivarius). Từng bước theo nghề, học hỏi kinh nghiệm từ người cha, Ân đúc kết được những kinh nghiệm, cách thẩm âm, và kỹ thuật làm đàn rất riêng mang nhiều yếu tố thiên bẩm.
Mười sáu tuổi, Ân được mời sang Campuchia dạy về kỹ thuật làm đàn trong hai năm, trở về Việt Nam, lại một công ty sản xuất đàn ở Thái Lan cũng tìm đến mời sang dạy làm đàn. Cùng thời gian đó, những cây đàn cổ dòng violin, boldback mandoline của viện bảo tàng bên Đài Loan, của các nhà sưu tập khắp nơi bị hư hại, cần chỉnh sửa, các công ty môi giới về dịch vụ này ở Đài Loan, Pháp, USA thường tìm đến gia đình Ân sửa đàn, qua tay nghề và kỹ thuật hoàn hảo, Ân được đề nghị sang Đài Loan cùng hợp tác làm đàn, sửa đàn. Tính khí trẻ bồng bột, ngang bướng, cộng với những xung đột gia đình nảy sinh, Ân từ bỏ tất cả.
Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn ở những năm 80, nghề đàn dần đi xuống, khách mua đàn ngày càng thưa dần. Trước bức thiết về cơm áo gạo tiền, cuộc đời Ân rẽ sang một hướng khác.
Một gã giang hồ
Ân tự lập băng cướp để kiếm tiền, nhớ lại quãng thời gian đi ăn cướp, Ân trầm buồn thổ lộ: “Mình thứ tư trong nhà, gia đình lúc đó bế tắc lắm, mẹ bịnh, mấy đứa em cũng bịnh, tiền cạn. Cách kiếm tiền nhanh nhất là đi ăn cướp. Chèo ghe khắp đường sông vùng Sài Gòn, ăn hàng phi vụ lớn ở những chỗ tử – nơi cực kỳ nguy hiểm lại có rất nhiều thứ giá trị như khu vực quân cảng ngay dưới chân cầu Sài Gòn – thằng bạn đi cùng một lần ăn hàng bị phát hiện, bị bắn chết ngay trên ghe còn mình thoát. Làm ăn cướp, hôm nay sống, mai chết vô định, bất cần đời”.
Dáng người vạm vỡ, lực điền, suốt sáu năm trời dọc vùng sông nước làm cướp, Ân thực hiện nhiều phi vụ trót lọt, cũng nhiều lần bị bắt, và ở tù, Ân nghiệm ra: “Ngoài đời, hai con chó cắn nhau có người can. Ở tù, hai người đánh nhau sống dở chết dở không ai đoái hoài, thấy đời nhục hơn con chó. Vì vậy tui tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhoi nhất để quay lại. Khi ra tù lần cuối cùng, tui nghĩ tới nghề đàn vì lúc nào trong đầu cũng có tiếng đàn văng vẳng đâu đó. Được sự hỗ trợ thêm từ những người bạn, tui lập xưởng làm đàn, nhận đệ tử huấn luyện và xây dựng thương hiệu đàn của riêng mình”.
Từ thuở bé đến giờ, Ân làm đàn không có khái niệm ế khách, ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nhưng vẫn không khá lên được. Anh bán đàn cho người chơi, gặp đúng người anh sẵn sàng tặng không hề tiếc vì biết đẳng cấp của người chơi và giá trị cây đàn mình làm ra phù hợp với họ. Ân tâm sự: “Anh em thợ của mình cũng toàn những người trước đây lâm vòng tù tội, mình lấy chính câu chuyện bản thân để cảm hoá họ, 10 người may mắn thì được 5. Làm ra một cây đàn dễ, nắm kỹ thuật ai cũng có thể làm được, nhưng cái khó là cây đàn phải mang hồn của người chế tác, phải có phong cách riêng. Ở bên Tây làm đàn, họ có máy đo âm thanh đúng chuẩn thì cho ra lò, cây nào cũng giống nhau và người điếc cũng làm đàn được. Thợ đàn Việt Nam thẩm âm bằng tai, không cây đàn nào giống cây nào, và tuỳ vào lỗ tai người thợ sẽ cho ra những cây đàn giá trị khác nhau”.
Và trăn trở
Ân cho biết thêm: “Nghệ nhân làm đàn ở Việt Nam thực sự chưa được đánh giá cao, người mua đa phần khách và các công ty sản xuất đàn nước ngoài, nhờ mình gia công đàn cho họ, để họ dán nhãn mác công ty bán với giá gấp nhiều lần”. Được biết xưởng đàn của Ân trước kia gia công 45 cây guitar cho một hãng ở Pháp, người bạn học ở nước ngoài mua đúng cây đàn Ân làm với giá hơn 5.000 đô la, đem về khoe nức nở và nói đó mới là cây đàn đỉnh cao. Ân cảm thấy buồn vì chính cây đàn mình làm ra, sang đến Pháp giá lên gấp hơn 20 lần.
Thương hiệu Myriam do cụ Tâm, cha của Ân đặt ra với ý nghĩa đem hết công sức sáng tạo và kinh nghiệm làm đàn truyền đạt giảng dạy cho các thế hệ sau. Đó là sự hoà trộn tinh thần của nghệ nhân vào cây đàn để tạo ra những âm thanh tuyệt hảo.
Ân nói về những đứa con tinh thần của mình: “Thế mạnh của mình là làm dòng đàn guitar cổ điển, cao cấp, dành cho người biểu diễn chuyên nghiệp. Cây đàn Myriam là toàn bộ tâm huyết được đặt trọn vẹn vào nhạc cụ, khi chế tác ra nó sẽ mang âm thanh trầm ấm, vang sáng với các chất liệu từ danh mộc như nu xá xị, tút đàn cẩm lai… Mình cũng làm thêm các dòng đàn khác như mandoline gáo mang phong cách châu Âu, thể hiện rõ nét nhất là những đường nét mang phong cách Ý”.
Suốt ngày quanh quẩn cùng đàn, thẩm âm từng cây đàn, xưởng đàn của Ân ở quận 9 luôn nhộn nhịp với các đơn đặt hàng các dòng Etude cho người chơi nghiệp dư, dòng Amateur cho dân bán chuyên nghiệp và dòng Myriam dành cho những nghệ sĩ biểu diễn thực thụ. Dù đã khẳng định được thương hiệu mạnh trong giới làm đàn, có phòng trưng bày sản phẩm tại những nơi sang trọng như ở Vinpearl Land – Nha Trang. Nhưng Ân mang nhiều trăn trở: “Thợ đàn lương trung bình 70 ngàn đồng/ngày, lương thợ hồ 100 – 120 ngàn, thợ đàn dần bỏ đi làm hồ hết. Muốn giữ thợ thì phải lương cao, làm ra đàn bán giá rẻ không đủ sống, mà bán mắc ở Việt Nam không ai mua, thợ trong xưởng toàn anh em mình cưu mang, bên là cuộc sống, bên là tình cảm, tâm trạng nhiều lúc rối bời lắm. Chỉ muốn đóng cửa cho anh em nghỉ hết rồi bỏ nghề, nhưng đã trót gắn với nghiệp đàn rồi, thật là khó”.
(Phóng sự báo Sài Gòn Tiếp Thị.)
http://myriams.com/v3/vi/profile/services
Đọc xong những dòng trên tui thấy xúc động và ngưỡng mộ Anh vô cùng.
Cám ơn Anh đã cho cuộc đời những Âm thanh tuyệt vời
=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>=D>
LÀ NGƯỜI VIỆT NAM HẢY DÙNG HÀNG VIỆT NAM